Trẻ bị sốt phát ban có đáng lo ?

Sốt phát ban là bệnh thường gặp ở trẻ em, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn. Hầu hết trẻ em đều có ít nhất 1 lần mắc bệnh này và bệnh chỉ nguy hiểm khi chúng ta hiểu sai cách chữa trị, từ đó dẫn tới biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh sốt phát ban được biểu hiện bằng sốt và nổi nhiều chấm đỏ rải rác toàn thân. Bệnh do nhiều loại siêu vi gây ra nhưng có 2 nguyên nhân chính gây bệnh sốt phát ban là siêu vi sởi và siêu vi gây bệnh rubella. Bệnh sởi còn gọi là ban đỏ, bệnh rubella còn gọi là ban đào. Bệnh sốt phát ban do sởi thường biểu hiện bằng sốt cao kèm theo ho, sổ mũi, mắt đỏ, vài ngày sau đó thì phát ban. Đầu tiên ban xuất hiện ở mặt, ngực, toàn thân.

Trẻ bị sốt phát ban có đáng lo ?

Sau khi ra ban, trẻ sẽ giảm sốt và sau khi các nốt ban mất đi sẽ để lại các vết thâm trên da khoảng vài tuần sau mới hết. Sốt phát ban do sởi nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng viêm phổi, viêm não, gây co giật, tử vong. Còn với bệnh sốt phát ban do rubella thường trẻ sốt nhẹ hoặc không sốt, ban xuất hiện rất nhanh có thể một ngày đã nổi khắp cơ thể, đa số trẻ kèm theo tiêu chảy hoặc tiêu phân hơi lỏng. Ban đào hay rubella thì rất lành tính ở trẻ em, rất hiếm gặp biến chứng. Tuy nhiên, nếu phụ nữ mang thai trong vòng 3 tháng đầu mắc bệnh ban đào sẽ ảnh hưởng đến thai nhi gây sẩy thai, sanh non, thai nhi sanh ra mắc nhiều tật ở mắt, tim, não,…

Bệnh sốt phát ban lây lan rất nhanh vì bệnh lây theo đường hô hấp do người lành hít phải các chất có siêu vi trùng gây bệnh khi người bệnh ho hay hắt hơi. Tuy nhiên, không phải ai mang mầm bệnh cũng bị bệnh nên chúng ta phải chủ động, nếu biết có vùng nào nhiều người bị sốt phát ban thì hạn chế tiếp xúc. Những trẻ từ 6 tới 12 tháng tuổi dễ bị lây bệnh nhất vì vào tuổi này, kháng thể của người mẹ truyền cho chúng từ trong bào thai đã hết mà kháng thể mới thì chưa thành lập.

Đối với trường hợp sốt phát ban thể nhẹ, bệnh nhân có thể được điều trị và chăm sóc tại nhà bằng cách: khi trẻ sốt cao nên lau mát bằng nước ấm; tránh cơ thể bé tiếp xúc với gió, ngay cả gió quạt máy; cho trẻ uống paracetamol liều 10 – 15 mg/kg/1 lần, có thể lặp lại sau từ 4 – 6 giờ nếu trẻ còn sốt trên 38,50C; chế độ dinh dưỡng trong giai đoạn điều trị bệnh cũng rất quan trọng, vừa cung cấp năng lượng cho cơ thể chống lại bệnh, vừa đảm bảo vệ sinh để bé không bị mắc tiêu chảy. Chế độ ăn cũng nên tăng thêm, cho trẻ ăn nhiều hơn bình thường, chia thành nhiều bữa và ưu tiên cho những thức ăn dễ tiêu hóa và đầy đủ chất dinh dưỡng; cho trẻ bú tiếp tục nếu trẻ còn bú; cho trẻ ở nơi thoáng mát, sạch sẽ; vệ sinh cá nhân và vệ sinh răng miệng cho trẻ. Nếu bệnh không nặng lên thì không cần nhập viện, sau vài ngày bệnh sẽ tự khỏi. Trong trường hợp bệnh tiến triển nặng, sốt quá cao, thở mệt, tiêu phân có máu, chảy mũ tai, co giật, hôn mê nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị kịp thời vì lúc này trẻ đã có biến chứng.

Về cơ bản, sốt phát ban do virus là lành tính, song vẫn có những cas bị biến chứng. Vì vậy, để hạn chế sự lây lan của bệnh, các nhà chuyên môn khuyến cáo, trước hết cần làm sạch môi trường sống, giữ gìn vệ sinh cá nhân. Khi có biểu hiện sốt phát ban, người bệnh cần tránh chỗ đông người, nếu phải tiếp xúc thì cần đeo khẩu trang, hoặc nếu có điều kiện thì tốt nhất là cách ly một thời gian ngắn để phòng bệnh và tránh lây lan cho người khác. Tuy nhiên, trẻ bệnh có thể lây cho trẻ khác ngay khi chưa có biểu hiện phát ban. Cách phòng ngừa tốt nhất là tiêm chủng. Vaccine sởi có thể chích ngừa khi trẻ được 9 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng; rubella được chích chung với quai bị và sởi trong cùng 1 lần khi trẻ được 12 tháng tuổi.

0 Response to "Trẻ bị sốt phát ban có đáng lo ?"

Đăng nhận xét