Phụ nữ mang thai mắc bệnh sởi, ảnh hưởng thế nào?

- Trước những thông tin về bệnh sởi đang hoành hành, tòa soạn nhận được rất nhiều băn khoăn, lo lắng của bạn đọc về căn bệnh gây nên biến chứng về não này. Chúng tôi đã đem những băn khoăn đó trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Viện trưởng Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia và nhận được nhiều lời khuyên rất bổ ích từ ông:


Chưa bao giờ tôi thấy dịch bệnh sởi lại gây biến chứng về não nghiêm trọng như hiện nay. Và tôi cũng không hiểu vì sao, số bệnh nhân bị biến chứng nguy hiểm nêu trên lại rơi vào lứa tuổi thanh niên từ 18-25. Vậy nguyên nhân do đâu? (Câu hỏi của bạn Nguyễn Hoài Nam, Quốc Tử Giám, Hà Nội).

- Câu hỏi của bạn cũng là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người hiện nay. Theo thống kê trong y văn thì tỷ lệ bị mắc bệnh sởi có biến chứng chỉ là 1/1000 ca. Và từ trước đến nay, thông thường bệnh sởi rơi vào trẻ em độ tuổi dưới 15. Và may mắn là các biến chứng của bệnh sởi ở trẻ em thường là các bệnh về đường hô hấp, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm giác mạc, viêm miệng hoại tử…


Quá tải bệnh nhân sởi. Ảnh: H.Lê
Về băn khoăn của bạn tại sao người lớn lại bị biến chứng về não trong khi trẻ con chỉ bị về đường hô hấp thì nguyên nhân là do hệ miễn dịch của người lớn đã hoàn thiện nên phản ứng về bệnh hô hấp rất tốt. Theo đó, những biến chứng của nó lại ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh của con người. Đó chính là biến chứng viêm não.

Hơn nữa, việc xuất hiện nhiều bệnh nhân sởi ở độ tuổi lạ lùng ngay trong khi Việt Nam đang tiến tới thanh toán bệnh sởi sau năm 2010 là do những suy nghĩ chủ quan. Mặc dù có những bệnh nhân mắc bệnh lần này đã được tiêm phòng sởi. Nhưng chúng ta sai lầm vì từng nghĩ hiệu quả miễn dịch là mãi mãi sau tiêm ngừa. Qua việc lây lan trên diện rộng này, chúng ta phải suy nghĩ rằng hiệu quả bảo vệ của văc-xin càng ngày sẽ càng giảm.

Biểu hiện của bệnh sởi gây biến chứng viêm não là gì, mức độ nguy hiểm của bệnh như thế nào? Những người ở lứa tuổi 18-25 cần phải làm gì để phòng tránh dịch bệnh này? (Câu hỏi của bạn Thanh Tú, Trần Khát Chân, Hà Nội, email dttdmtdat@...).

- Thực tế, nhiều người ở độ tuổi nói trên do chủ quan, nghĩ rằng sức đề kháng của họ tốt nên vẫn đi làm, đi học và làm việc quá sức. Chỉ đến khi bệnh phát nặng thì họ mới vội vàng đi khám bệnh. Họ không biết rằng biến chứng sởi ở người lớn rất nặng nề, nguy hiểm. Nếu không dùng kháng sinh kịp thời, không được chăm sóc tốt, không nghỉ ngơi, tránh gió lạnh thì biến chứng bệnh sẽ nặng hơn rất nhiều. Hiện nay, nhiều bệnh nhân nhập viện đang trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng thở, trụy tim mạch, thậm chí có nguy cơ tử vong.

Sởi vốn dĩ là bệnh lành tính nhưng lại lây lan rất nhanh, khó khống chế nên bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm. Vì vậy, không thể biết trước được có phòng tránh được biến chứng viêm não từ sởi hay không. Chỉ có điều nếu bệnh nhân không chủ quan, biết chăm sóc bản thân, đến bệnh viện sớm để khống chế được các dấu hiệu của bệnh thần kinh như: ngủ gà, co giật, suy hô hấp, hôn mê... thì khả năng phòng chống biến chứng về viêm não là rất cao.

Trong trường hợp sốt phát ban chưa rõ nguyên nhân, người bệnh cần được cách ly hoàn toàn với mọi người xung quanh. Người bệnh cũng cần được giữ ấm, giữ vệ sinh cá nhân và đảm bảo dinh dưỡng hàng ngày do dễ bị suy giảm miễn dịch tạm thời, dễ bị bội nhiễm. Thời gian cách ly là trước và sau ngày phát ban 5 ngày, nhất là khi bệnh nhân sốt và có triệu chứng về hô hấp. Bệnh nhân chỉ điều trị triệu chứng bằng cách hạ sốt (chườm mát, dùng thuốc hạ sốt); cân bằng dịch, điện giải (nếu tiêu chảy, nôn nhiều, mất nước cần truyền dịch. Người có chức năng tim kém cần thận trọng với biện pháp này); tăng cường dinh dưỡng; trẻ em cần bổ sung vitamin A.

Bên cạnh đó, để phòng ngừa nguy cơ dịch sởi lan rộng và gây nên những biến chứng nguy hiểm cho người lớn, chúng ta cần duy trì tỷ lệ tiêm chủng văc-xin phòng sởi cho trẻ em. Đồng thời, nghiêm túc thực hiện việc tiêm chủng mũi thứ hai cho trẻ: mũi 2 tiêm nhắc lại sau mũi 1 dài nhất là 6 năm. Nếu sau 6 năm không được tiêm nhắc lại thì nguy cơ mắc bệnh sẽ là không tránh khỏi.

Hiện nay, tôi đang có thai được 4 tháng. Tôi rất lo lắng vì dịch sởi đang bùng phát và không trừ bất kỳ ai. Xin các nhà tư vấn cho tôi biết nếu phụ nữ mang thai bị mắc sởi thì có ảnh hưởng gì đến thai nhi hay không? (Câu hỏi của bạn Trần Thanh Nhung, Từ Liêm, Hà Nội).

- Câu hỏi của bạn được rất nhiều người quan tâm. Rất không ổn nếu phụ nữ đang mang thai bị mắc bệnh sởi. Mắc bệnh trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ thì nguy cơ dị dạng thai nhi là rất lớn. Còn trong giai đoạn tiếp theo của thai kỳ thì nguy cơ bị sảy thai, thai chết lưu, đẻ non hoặc thai nhiễm sởi tiên phát… là rất lớn. Vì vậy, đang trong thai kỳ, bạn càng phải cẩn thận, phòng tránh để không mắc bệnh.

Sau khi dịch bệnh xảy ra thì mới đi tiêm phòng vắc xin liệu có tác dụng không? (Câu hỏi của bạn Thái Thúy Hằng, email: hangnt@...).

- Thông thường, tiêm bất kỳ loại văc-xin nào thì phải sau đó một thời gian, thuốc mới có tác dụng chống dịch. Do vậy, khi đã xảy ra dịch bệnh mới đi tiêm thì tác dụng của thuốc chưa thể phát huy hết được. Tuy nhiên, bạn có thể "chữa cháy" bằng cách đi tiêm văc-xin phòng dịch trong giai đoạn bùng phát dịch và kèm theo đó là chú ý phòng ngừa bệnh, tránh lây lan.

Nhưng lời khuyên tốt nhất cho bạn là nên tiêm phòng trước khi mùa dịch bệnh phát ra. Chẳng hạn, dịch sởi thường bùng phát vào mùa xuân, vậy thì bạn phải tiêm thuốc phòng dịch từ trước đó ít nhất là 15 ngày. Nếu muốn tìm hiểu kỹ hơn về thông tin các mùa dịch bệnh bạn có thể hỏi các nhà tư vấn về sức khỏe ở các bệnh viện.

0 Response to "Phụ nữ mang thai mắc bệnh sởi, ảnh hưởng thế nào?"

Đăng nhận xét