Vợ chồng thầy thuốc vùng sâu Đồng Tháp Mười

"Đồng vợ - đồng chồng, đồng cam - cộng khổ" vượt qua khó khăn, vất vả, tận tâm chăm sóc sức khỏe nhân dân và hết mình vì bệnh nhân… đó là những điều có thể nói về vợ chồng thầy thuốc vùng sâu Đồng Tháp Mười: Nguyễn Văn Hồng (sinh năm 1963) và Nguyễn Thị Hoa (sinh năm 1965).

Tiếp tôi trong phòng làm việc của bệnh viện, anh Hồng tâm sự: "Tôi là đứa con thứ bảy trong một gia đình nông dân nghèo có 9 anh chị em giàu truyền thống cách mạng, ở vùng đất Tràm Chim, Tam Nông (Đồng Tháp). Thấu hiểu được cuộc sống khó nhọc của bà con quê mình thường xuyên phải đối mặt với đau yếu, bệnh tật nên tôi quyết định theo học ngành y để có điều kiện chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Năm 1986, sau khi tốt nghiệp Trung học y tế tỉnh Đồng Tháp, tôi về nhận việc tại Khoa Nội và Khoa Cấp cứu, Trung tâm y tế huyện Tam Nông.

Hồi còn học ở trường y tế, trong thời gian thực tập tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Đồng Tháp, tôi đã gặp và bén duyên cùng cô y tá Nguyễn Thị Hoa quê ở Nha Mân, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đang làm việc tại đây. Hai năm sau, mối tình giữa tôi và Hoa ngày càng mặn nồng thắm thiết… Năm 1988, chúng tôi đã chính thức nên duyên. Sau đám cưới, vợ tôi chuyển về công tác chung tại Trung tâm y tế huyện Tam Nông".

Vợ chồng BS. Hồng - Hoa (giữa) chụp ảnh chung với nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng.

Những ngày đầu gian khó

Lúc bấy giờ, huyện Tam Nông - trung tâm vùng Đồng Tháp Mười đất đai bị nhiễm phèn nặng, cỏ năn mọc um tùm, những ngày mưa bão, lũ lụt thì vô cùng khủng khiếp; giông lốc, sấm sét nổi lên ầm ầm… Cơ sở vật chất, y cụ, thuốc men tại Trung tâm y tế huyện còn rất nhiều thiếu thốn! Những chuyến khám bệnh ở cơ sở phải đi bằng xe trâu, xe bò băng qua những cánh đồng lầy lội hay bơi xuồng luồn lách qua các dòng kênh - rạch ngoằn ngoèo thật gian nan, khó nhọc.

Anh Hồng chỉ mới là một y sĩ, còn vợ là y tá nhưng hai người luôn được mọi người thương yêu, tín nhiệm. Bởi, anh chị sống rất hòa đồng, luôn nỗ lực vượt khó và phấn đấu không ngừng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 1990, chi cục điều động dân cư vừa xây xong phân trạm y tế tại xã Tân Công Sính - cách Trung tâm y tế huyện hơn 10km, vậy là vợ chồng Hồng - Hoa đã tình nguyện vào đây để thực hiện trọng trách thiêng liêng cao cả là cứu người và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Nếu như huyện Tam Nông được xem là vùng sâu của tỉnh Đồng Tháp thì xã Tân Công Sính lại là vùng sâu của huyện Tam Nông, khó khăn thiếu thốn mọi bề. Đây là một vùng hoang vu "đất rộng - người thưa". Mùa khô, đất nứt nẻ như ô cờ tướng, còn mưa xuống thì nước dậy phèn… nước uống và sinh hoạt không có, phải bơi xuồng vận chuyển hàng chục cây số về để sử dụng. Tại các bưng, trấp, đìa, bàu… thì rong đuôi chồn lượn lờ dưới dòng nước phèn trong veo đến con cá sặt, cá chốt tung tăng cũng thấy rõ mồn một. Cây lúa sạ được hơn một tuần đang lên xanh tốt, bỗng vài ngày sau bị đỏ đầu, đem phân rải xuống thì cây lúa từ từ lụi tàn rồi chết sạch…

Đến mùa nước nổi phải dùng cây ván kê kích hay dùng xuồng nhỏ kết thành bè để làm nhà tạm cư, sinh hoạt… Điều kiện sinh hoạt, công tác ở đây vô cùng khó khăn, khắc nghiệt. Đời sống người dân rất nghèo khổ, trình độ học vấn hạn chế, giao thông còn nhiều cản trở, không có đường bộ, chỉ đi lại bằng đường thủy… Mỗi ngày, từ xã muốn ra huyện chỉ có quá giang xuồng của dân đi chợ, bằng không thì phải đi bộ trên con đường mòn, qua nhiều cầu tre lắt lẻo… rất mất thời gian, công sức. Chuyện bệnh tật, sinh đẻ của người dân đều phó mặc cho "số phận rủi may" nên dân gian có câu: "Anh đi ba bữa anh về /Rừng thiêng nước độc chớ hề ở lâu!".

"Vạn sự khởi đầu nan"! Vào quê mới, y sĩ Hồng được phân công là Trưởng phân trạm, y tá Hoa làm nhân viên. Vậy là vợ chồng thầy thuốc trẻ Hồng - Hoa bắt tay ngay vào việc sửa sang "trụ sở làm việc và cũng là nơi ăn ở, sinh hoạt của mình". Hai vợ chồng cùng nhau ra bờ xáng hì hụi bưng từng cục đất đắp lại cái nền của phân trạm y tế cho bằng phẳng; kê giường ngủ, bếp nấu ăn và bàn khám chữa bệnh… Rồi mua sắm các dụng cụ đánh bắt thủy sản để cải thiện bữa ăn hằng ngày và có điều kiện phục vụ bệnh nhân. Mỗi năm, y sĩ Hồng phải khám, chữa bệnh cho hàng trăm lượt người dưới ánh đèn dầu tranh tối tranh sáng vào ban đêm để giành giật lại sự sống từ tay tử thần và y tá Hoa đã đỡ đẻ cho nhiều sản phụ đem lại mầm sống cho đời! Y sĩ Hồng kể: "Vào những năm lũ lớn, Trạm y tế bị nước ngập sâu, xuồng bệnh nhân vào thẳng cửa trạm, người bệnh trên xuồng, vợ chồng tôi đứng dưới nước khám bệnh là chuyện bình thường".

Từ khi y sĩ Hồng, y tá Hoa có mặt tại địa phương thì chuyện bệnh tật, sinh đẻ đã được thay đổi nâng lên theo hướng khoa học. Người dân không còn phải chịu sự may rủi khi mắc bệnh hoặc phải "vượt cạn một mình". Nhiều loại dịch bệnh như: sốt xuất huyết, tả, lỵ, tiêu chảy… đã kịp thời được khống chế, đẩy lùi. Vợ chồng Hồng - Hoa đã trở thành niềm tin, là chỗ dựa vững chắc của người bệnh, các sản phụ và nhân dân nơi đây… Người dân vùng sâu Tân Công Sính còn nhớ mãi hình ảnh đôi vợ chồng thầy thuốc trẻ Hồng - Hoa cùng đứa con nhỏ thường xuyên bơi xuồng hàng chục cây số từ xã ra huyện nhận các loại thuốc vaccin về, lặn lội tới từng nhà tiêm ngừa bệnh tật cho trẻ em, phun hóa chất phòng chống dịch bệnh cho nhân dân… bất kể thời tiết nắng mưa, bão lũ.

Công tác được 5 năm, đến năm 1994, thị trấn Tràm Chim được chia tách từ xã Tân Công Sính, phân trạm y tế được nâng cấp thành Trạm y tế xã, y tá Hoa được đưa đi tập huấn chuyên môn phụ sản 6 tháng ở tỉnh. Y sĩ Hồng được tín nhiệm phân công làm Trưởng trạm. Trong lúc vợ đi học xa, anh Hồng ở nhà vừa lo việc trạm, vừa quán xuyến chuyện gia đình, chăm sóc dạy dỗ con cái… Gần 10 năm sau, (tháng 11/2004) y sĩ Hồng tiếp tục được chọn đi học chuyên tu bác sĩ tại Học viện Quân y Quân khu 9, Cần Thơ. Chị Hoa ở nhà thay chồng đảm đương việc cơ quan, giỏi giang việc nhà cửa… Sau 4 năm học tập ra trường, bác sĩ Hồng về tiếp tục đảm nhận chức vụ Trưởng Trạm y tế xã Tân Công Sính cho tới tháng 10/2010.

Ở vùng quê hẻo lánh này, bác sĩ Hồng và y tá Hoa luôn thấu hiểu cảnh nghèo đói, bệnh tật của nhân dân nên hai vợ chồng đã làm việc rất tích cực, không quản ngại gian nan vất vả. Với tấm lòng đam mê và bằng sự kiên trì, xông xáo quyết tâm phấn đấu, nỗ lực thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin tưởng của mọi người. Vợ chồng bác sĩ Hồng - y tá Hoa thường xuyên đi thực tế ở các ấp, thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân địa phương. Hằng năm, Trạm y tế xã Tân Công Sính tiếp nhận hàng ngàn lượt người đến khám chữa bệnh và sinh đẻ…

Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tinh thần, thái độ phục vụ, đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế… bác sĩ Hồng cùng vợ tổ chức tốt việc khám chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế tại trạm, tạo niềm tin cho người tham gia bảo hiểm y tế tiếp cận với dịch vụ y tế ở địa phương. Dưới sự điều hành năng nổ của bác sĩ Hồng và sự tiếp sức nhiệt tình của vợ, các chương trình y tế quốc gia hằng năm đều được thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu trên giao như: tiêm chủng mở rộng, uống - tiêm vaccin ngừa bệnh sởi, bại liệt, phòng chống bướu cổ, sốt rét, lao, khám và điều trị bệnh phụ khoa, thực hiện dịch vụ kế hoạch hóa gia đình…

Hoạt động phòng chống HIV/AIDS cũng được trạm chú trọng thực hiện nhiều biện pháp truyền thông, tư vấn, nhất là việc tác động trực tiếp vào những đối tượng có hành vi nguy cơ cao… Các dự án phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, chăm sóc phát triển toàn diện trẻ thơ, phòng chống bệnh sốt xuất huyết… đều được thực hiện đạt kết quả khả quan. Đến giữa tháng 11/2011, ở xã Tân Công Sính tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng đã giảm còn 18,21%, có 922 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đang áp dụng các biện pháp tránh thai, chiếm 79,25%, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,2%, Chương trình tiêm chủng mở rộng đạt 117,9%. Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh là 54,6%; hố xí hợp vệ sinh đạt 73%…

Để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn ngày càng hiệu quả hơn, bác sĩ Hồng và y tá Hoa còn tích cực đề ra kế hoạch tham vấn trực tiếp với lãnh đạo ngành y tế cấp trên, đề xuất cụ thể với Đảng ủy - UBND xã kịp thời trong việc xây dựng nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng y tế, trang bị máy móc, thiết bị y tế hiện đại… phục vụ tốt công tác khám, điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đến nay, đội ngũ y, bác sĩ Trạm y tế xã Tân Công Sính đã có 6 người, tinh thần, thái độ phục vụ của y, bác sĩ được nâng lên. Trạm được xây dựng đạt Chuẩn quốc gia, ngoài các y cụ thông thường, Trạm y tế còn được trang bị thêm thiết bị hiện đại đắt tiền như: máy siêu âm, máy đo điện tim, máy tổng phân tích nước tiểu…

Vợ chồng BS. Hồng - Hoa đang khám bệnh.

"Đến đây thì ở lại đây..."

Bằng những hình thức thiết thực, vợ chồng bác sĩ Hồng cùng tập thể y, bác sĩ Trạm y tế xã luôn rèn luyện phẩm chất đạo đức của người thầy thuốc theo 12 Điều Y đức và 10 Điều Dược đức; nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân gắn với việc triển khai thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu…

Từ tháng 10/2010 đến nay, bác sĩ Hồng đã được điều động về khám bệnh và điều trị tại Khoa Ngoại, BVĐK huyện Tam Nông. Khi được hỏi: Trước đây, vì sao hai vợ chồng trẻ đang công tác tại huyện lại tự nguyện xin vào xã vùng sâu công tác? Bác sĩ Hồng bộc bạch: "Lúc đầu, thấy nơi đó thiếu y tế, vợ chồng tôi cũng muốn vào đó vừa chăm sóc sức khỏe nhân dân, vừa làm kinh tế phụ thêm…". Tôi hỏi: "Cảnh sống giữa đồng không mông quạnh, va chạm với thiếu thốn và khổ cực, có khi nào vợ chồng anh có ý định rút lui?".

Bác sĩ Hồng không giấu giếm: Có! Nhưng chỉ thoáng qua. Bởi, vợ chồng tôi nghĩ, là thầy thuốc ở đâu cũng khám chữa bệnh, cứu người. Vả lại, ở đây lâu ngày, bà con quý mến xem như người thân trong gia đình. Bắt được con ếch, câu được con cá hay nấu được một chai nước mắm ngon, luộc được rổ khoai… dù đã giữa khuya cũng gõ cửa trạm để chỉ tặng ăn lấy thảo. Nếu không nhận thì họ giận, không chịu về nên đành phải nhận cho họ vui. Tình cảm như vậy thì sao nỡ rút lui cho đành nên tôi thường nói vui với các bạn bè, đồng nghiệp và bà con rằng: "Đến đây thì ở lại đây/ Bao giờ bén rễ, xanh cây mới về".

Bác sĩ Hồng hiện đang đảm nhận nhiệm vụ tại BVĐK huyện, y tá Hoa vẫn còn công tác tại Trạm y tế xã Tân Công Sính phụ trách quản lý chương trình bướu cổ, tâm thần, người cao tuổi, người tàn tật, sản - phụ khoa, sinh đẻ kế hoạch... Hai vợ chồng sống thật đầm ấm và hạnh phúc cùng hai đứa con trai trong một căn nhà khang trang thoáng rộng ở gần chợ trung tâm xã Tân Công Sính. Nối nghiệp cha mẹ, đứa con trai lớn đang theo học y sĩ đa khoa tại Trường đại học Hồng Bàng TP.  Hồ Chí Minh; còn đứa nhỏ đang học lớp 10 Trường THPT Tràm Chim.

Bác sĩ Hồng lại tiếp tục cuộc hành trình vất vả khi mỗi ngày phải vượt hơn 10km đường bộ từ nhà đến BVĐK huyện để làm nhiệm vụ cao quý là cứu người và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bác sĩ Nguyễn Văn Hồng bày tỏ: "Dù ở bất cứ nơi đâu, đảm trách nhiệm vụ gì, vợ chồng tôi đều nương tựa, dìu dắt và động viên nhau cùng vượt qua khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, giữ vững phẩm chất cao quý của người thầy thuốc và không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân, giữ gìn mạng sống quý giá của con người…".

Trải qua hơn 20 năm công tác, gắn bó với Trạm y tế xã Tân Công Sính và ngành y tế huyện Tam Nông, vợ chồng bác sĩ Nguyễn Văn Hồng - Nguyễn Thị Hoa đã đóng góp nhiều công sức, tài trí của mình cho thành tích chung trong sự nghiệp phát triển ngành y tế địa phương, đáp ứng kịp thời nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các bằng khen, giấy khen của Chủ tịch UBND và ngành y tế tỉnh Đồng Tháp tặng cho vợ chồng bác sĩ Hồng - Hoa trong những năm qua là niềm vinh dự lớn lao, minh chứng cho tấm lòng hy sinh thầm lặng của đôi vợ chồng này và tình cảm yêu mến, niềm tin mãnh liệt của người dân, bạn bè đồng nghiệp đối với vợ chồng thầy thuốc Hồng-Hoa là phần thưởng cao quý, là động lực mãnh liệt giúp cho họ thêm sức mạnh để cùng nhau bước tiếp trên con đường chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Nguyễn Hiếu Nhân - Giám đốc BVĐK huyện Tam Nông nhận xét: "Vợ chồng bác sĩ Hồng - Hoa là một trong những tấm gương sáng về y đức và lòng chung thủy sắt son. Dù trong gian khó khổ cực, hai vợ chồng vẫn bền lòng vững chí vượt qua, tận tâm với nghề, thầm lặng hy sinh, cống hiến trọn cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Họ thật xứng danh "Lương y như từ mẫu".

Trần Trọng Trung

1 Response to "Vợ chồng thầy thuốc vùng sâu Đồng Tháp Mười"

  1. Nặc danh lúc 11:18 27 tháng 12, 2012
    cảm ơn bạn đã chia sẻ về điều trị bệnh phụ khoa vùng sâu nhé

Đăng nhận xét