Phát hiện bệnh sởi ở trẻ

Thời kỳ ủ bệnh của sởi là khoảng 11 ngày với những biểu hiện mờ nhạt. Sau đó, triệu chứng bệnh xuất hiện rầm rộ. Tuy nhiên, nếu không tinh, các bà mẹ có thể nhầm bệnh sởi với các bệnh phát ban khác.
 
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây nên. Virus này có tính lây truyền cao nên dễ gây thành dịch. Khi trên 94% quần thể trong cộng đồng có tính miễn dịch thì mới có thể cắt được sự lây truyền của bệnh sởi.
Virus sởi truyền từ trẻ này sang trẻ khác qua những giọt dịch mũi - họng bắn ra khi nói, cười. Nếu trẻ lành hít phải, virus sẽ xâm nhập qua niêm mạc đường hô hấp và gây bệnh. Do đó, nguy cơ mắc bệnh sẽ cao nếu trẻ không được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không hiệu quả (cần tiêm đủ 2 mũi). bệnh sởi sẽ rất nguy hiểm nếu có biến chứng, đặc biệt là viêm não sau sởi.

Các triệu chứng của bệnh sởi là sốt nhẹ hoặc sốt cao 39-40 độ C, sốt liên tục. Trẻ bị hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, dử mắt, phù nhẹ mi, ho (có thể ho khan, khàn tiếng hoặc có đờm), tiêu chảy.
Có những chấm nhỏ khoảng 1 mm nổi lên trên niêm mạc má, dễ quan sát khi trẻ há miệng to; chấm có màu đỏ, sung huyết, ở vị trí ngang với răng hàm thứ nhất. Dấu hiệu này mất nhanh trong vòng 12-18 giờ.

Sau khi sốt 3-4 ngày, trẻ bị phát ban. Đầu tiên ban mọc từ sau tai, lan dần hai bên má, cổ, ngực, chi trên, sau lưng, chi dưới, đến toàn thân. Ban màu hồng nhạt, nhẵn, khi ấn vào thì biến mất, có xu hướng kết dính lại với nhau, phát ban xen giữa những khoảng da lành. Thể nhẹ thì ban rải rác, thể nặng thì ban dày gần như che kín da, cả gan bàn tay, chân, sau khi bay để lại vết thâm trên da. Trẻ ăn kém, mệt, mỏi. Thường thì 3-4 ngày sau khi ban mọc, ban sẽ bắt đầu bay, nhạt màu dần, nơi nào mọc trước thì sẽ bay trước và để lại vết thâm trên da, khoảng một tuần sau thì không còn dấu vết gì. Trẻ lại sức dần và hết sốt.

Cần phân biệt bệnh sởi với ban dị ứng (trẻ thường phát ban từng mảng, dạng mày đay, ngứa) và phát ban trong các bệnh khác (như tinh hồng nhiệt, nhiễm trùng...).

Các biến chứng của bệnh sởi thường rất nặng và dễ gây tử vong: viêm phổi, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm não tủy, cam tẩu mã, tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng (do quá kiêng khem), loét giác mạc do thiếu vitamin A. Cần phát hiện sớm các biến chứng sau khi mắc bệnh sởi, đặc biệt là sau khi ban bay hết mà trẻ vẫn còn sốt.

Khi chưa có biến chứng, không nên cho trẻ dùng kháng sinh. Việc điều trị chủ yếu là khắc phục trị triệu chứng như uống thuốc hạ sốt, vệ sinh toàn thân, răng miệng, mắt (nhỏ mắt thường xuyên bằng nước muối sinh lý, cloramphenicol 0,1%). Trẻ phải được ăn đầy đủ thực phẩm dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, uống đủ nước.

Khi có biến chứng, có thể dùng kháng sinh theo chỉ dẫn của thày thuốc, bổ sung vitamin A để tránh khô giác mạc. Không dùng corticoid.

Để phòng bệnh, cần tiêm phòng vacxin bệnh sởi cho trẻ. Tiêm mũi 1 khi trẻ tròn 9 tháng tuổi và mũi 2 trong chiến dịch tiêm nhắc lại vacxin sởi. Nên cách ly trẻ mắc bệnh sởi cho đến ít nhất 4 ngày sau khi phát ban.

Bệnh nhi phải được ở nơi thoáng mát, ăn uống đầy đủ, vệ sinh sạch sẽ, không nên kiêng khem quá mức gây tình trạng thiếu các vi chất.

ThS Đỗ Quỳnh Hoa, Sức Khỏe & Đời Sống

0 Response to "Phát hiện bệnh sởi ở trẻ"

Đăng nhận xét